Viêm amidan cấp tính là tình trạng viêm sung huyết của amidan khẩu cái và bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường khoảng từ 5-15 tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy các nguyên nhân gây ra bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh viêm amidan như thế nào?
1. Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây viêm amidan cấp
Các nguyên nhân gây bệnh viêm amidan bao gồm:
Vi khuẩn: Liên cầu beta tan huyết nhóm A, haemophilus influenzae, tu cầu, xoắn khuẩn…
Virus: Cúm, sởi, ho gà…
Các yếu tố thuận lợi
Thay đổi thời tiết đột ngột
Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, điều kiện sinh hoạt thấp vệ sinh kém.
Do sức đề kháng của cơ thể kém, do cơ địa dễ dị ứng
Có ổ nhiễm khuẩn không được điều trị triệt để vùng họng, miệng như: Sâu răng, viêm lợi, viêm VA, viêm mũi xoang.
Đặc điểm cấu trúc amidan có nhiều khe kẽ, hốc là nơi cư trú, sinh sôi và phát triển của vi khuẩn
Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan, tuy nhiên viêm amidan cấp thường gặp ở cả trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên lứa tuổi từ 5 – 15 tuổi.
Viêm họng cấp ở trẻ
Viêm amidan cấp thường gặp ở trẻ 5 – 15 tuổi do nhiều nguyên nhân
2. Dấu hiệu nhận biết viêm amidan cấp
Các triệu chứng toàn thân:
Thường bắt đầu đột ngột với dấu hiệu rét run rồi sốt 38 đến 39 độ C.
Người mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém chán ăn.
Tiểu tiện ít và sẫm màu, đại tiện thường táo bón.
Triệu chứng cơ năng:
Có cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng. Nhất là thành bên họng là vị trí của amidan khẩu cái.
Sau đó cảm giác đau họng, có thể đau nhói lên tai tăng lên khi nuốt và ho
Thường kèm theo viêm mũi trẻ chảy mũi, trẻ có thể thở khò khè, ngủ ngáy, nói giọng mũi.
Nếu viêm lan xuống thanh quản, khí quản gây ho có đờm, đau, thay đổi giọng khàn.
Khám họng:
Niêm mạc họng đỏ, miệng khô
Amidan sưng đỏ, đôi khi thấy trên bề mặt amidan có mủ là những chấm trắng dần dần biến thành một lớp mủ trắng phủ trên bề mặt amidan.
3. Điều trị viêm amidan cấp
3.1. Nguyên tắc điều trị
Đối với viêm amidan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
3.2. Điều trị cụ thể
Nghỉ ngơi, ăn lỏng dễ tiêu, uống nước nhiều.
Giảm đau, hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C: paracetamol. Uống cách ít nhất 4 – 6 giờ.
Kháng sinh: trong trường hợp nhiễm khuẩn dùng nhóm β lactam, nếu dị ứng thì dùng nhóm macrolid.
Nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.
Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: bicarbonat natri, borat natri… (nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
Nâng cao thể trạng: yếu tố vi lượng, sinh tố, calci…
>>>Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau khi cắt Amidan
4. Viêm amidan gây những biến chứng gì?
Biến chứng viêm amidan cấp
Loét khe amidan
Viêm amidan nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời nhẹ có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh. Nặng gây ra biến chứng như:
Tại chỗ: Loét khe amidan, sỏi amidan, viêm tấy xung quanh amidan, viêm tấy thành bên họng, viêm họng mạn tính.
Viêm hạch cổ mạn tính, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản.
Viêm khớp, viêm thận, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết…
5. Cách phòng bệnh
Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng. Có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân tốt khi có những vụ dịch liên quan đến đường hô hấp, khi thời tiết giao mùa…
Điều trị triệt để các bệnh lý mũi họng khác như viêm V.A, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng…
Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân.
Tiêm phòng đầy đủ.
Viêm amidan cấp có thể để lại một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, người bệnh không nên coi thường. Nên khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh nên đi khám và được điều trị triệt để đúng cách.